Liên hệ
Họ và tên
Email
Yêu cầu
Mã bảo mật
Chọn mã khác
Số người online: 6
Tổng lượt truy cập: 894,750

Kỹ năng bán hàng

Làm thế nào để Doanh nghiệp bán lẻ phát triển trong hội nhập?

 

Gần một năm sau ngày gia nhập WTO, các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã ngồi lại cùng nhau. Nỗi lo lắng sự "xâm lấn" của nhà phân phối ngoại, nguy cơ phá sản của DN trong nước vẫn không hề vơi đi. Tuy nhiên, sau những va chạm trên thị trường mở cửa, các nhà bán lẻ trong nước đã tự tin hơn hơn khi bàn chuyện cạnh trạnh trong môi trường ngày càng mở. Ông Phạm Đình Đoàn mở đầu ý kiến của mình bằng những thông tin về việc mở rộng kinh doanh của các DN trên đất Việt Nam.

Giải pháp khôn khéo thực hiện cam kết

Metro đã mở xong 8 điểm phân phối và đang xin mở thêm. Trong khi đó, một DN nước ngoài đang ý định mở 40 điểm bán lẻ ở Việt Nam dưới hình thức liên doanh và đến 1/1/2009 là chuyển thành DN 100% vốn nước ngoài.

Ông Đoàn nói, các DN nước ngoài mở điểm kinh doanh ở Việt Nam không cần quan tâm DN Việt Nam ở đó như thế nào. Đơn giản vì DN Việt Nam quá nhỏ để cạnh tranh với họ. Và tình hình này mà cứ cho các DN ngoại như Walmart mở 10 siêu thị tại Việt Nam thì đến 80% DN bán lẻ Việt Nam "chết". Thậm chí, tới đây, các DN đang làm đại lý phân phối cho các hãng lớn nước ngoài cũng lo mất phần vì các hãng lớn được tự do vào phân phối ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định, đây mới chỉ bước đầu của quá trình. Bước đầu là vì chúng ta mới mở cửa từng phần và DN người nước ngoài cũng mới vào, họ cần có tàơi gian để phát triển hệ thống. Nhưng đây là giai đoạn diễn tập hết sức quan trọng cho DN. Ông Tú cũng cảnh báo, trong WTO, những đề xuất hỗ trợ cụ thể sẽ không được vi phạm luật.

Ông Đoàn cho rằng, cam kết WTO chắc chắn phải thực hiện. Nhưng chúng ta vẫn có thể điều chỉnh chính sách có lợi cho DN trong nước. Ví dụ, thay vì 1 - 2 nhà đầu tư nước ngoài mở cả chuỗi hàng chục siêu thị thì nên xem xét kinh nghiệm của các nước như Ấn Độ chỉ cho Metro 2 địa điểm thôi. Thậm chí ông Đoàn đề xuất nên quy định tỷ lệ thị phần dành cho nước ngoài và trong nước mà mức lý tưởng nhất là 60% cho trong nước và 40% cho nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Tổng giám đốc Sài Gòn Co-op Mart cho rằng, chúng ta được phép và cần thiết dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường. Thay vì cho 1 - 2 nhà đầu tư mở cả chuỗi 10 điểm kinh doanh thì nên cho 10 nhà đầu tư mở 1 - 2 điểm kinh doanh để cân bằng thị trường. Bên cạnh đó, các đại diện DN còn cung cấp kinh nghiệm các nước đi trước như việc xây dựng các quy đình chặt chẽ về quy mô, phạm vị, số lượng, khoảng cách... khi các nhà đầu tư muốn lập một điểm kinh mới.

Ngay cả việc thực hiện quy hoạch cũng cần phải chi tiết để DN dễ thực hiện, bây giờ các DN trong nước rất khó thuyết phục các địa phương trong việc triển khai kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là về đất đai. Nhưng rất nhiều địa phương có tâm lý thích vốn FDI, cứ DN nước ngoài là dễ dàng được tin tưởng và chấp nhận. Trong khi DN trong nước vốn đã nhỏ yếu, tiếp cận được đất đi có khi mất 3 - 5 năm, thậm chí muốn có vị trí kinh doanh phải tham gia đấu giá với chi phí cực lớn. Còn DN nước ngoài họ được phép thuê đất, thậm chí nếu có mua họ cũng có đủ nguồn lực để tham gia. Vì thế, nếu không có quy hoạch và những chính sách tạo đà cho DN trong nước thì e khó mà cạnh tranh nổi.

Những việc làm này thuộc về chính sách và pháp lý mà các DN rất hy vọng các cơ quan nhà nước sớm nhận ra và thực hiện. Nếu làm một cách khôn khéo, đây sẽ là những biện pháp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DN bán lẻ Việt Nam phát triển. Ông Đoàn lấy dẫn chứng, Thái Lan đã mở cửa cho quá nhiều nhà phân phối nước ngoài vào, khiến ngành bán lẻ trong nước bị phá sản. Bây giờ có muốn cưỡng ép DN nước ngoài ra khỏi thị trường không dễ. Trước đây DN của họ đã đề xuất nhiều về các biện pháp hợp lý để cân bằng thị trường cho DN trong nước nhưng không được thực hiện. Việt Nam cũng cần học kinh nghiệm này, bởi vì phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh.Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN qua việc xây dựng chính sách, xây dựng cơ chế, làm sao cho cơ chế phù hợp với cam kết WTO lại vừa phù hợp với thực tế Việt Nam... Tuy nhiên, chúng ta không nặng nề chuyện phải là ai thắng ai thua; hay phải đối đầu nhau. Các DN trong nước ta phải bàn đến chuyện làm sao chúng mạnh lên để cạnh tranh với nhau, cạnh tranh với họ. Chúng ta cũng phải mạnh lên để trở thành đối tác tương xứng với họ.

Điều quyết định là phải tích lũy nội lực

Cảm nhận được những khó khăn nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Giám đốc Hệ thống siêu thị Dệt may Vinatex lại đặt vấn đề: chúng ta phải xem vì sao chúng ta không phát triển tương xứng với khả năng của mình. Tôi biết và đã rất trăn trở vì sao các DN bán lẻ Hàn Quốc đánh bật các đại gia nước ngoài trong khi họ cũng đã từng trải qua điều kiện như chúng ta là phải mở cửa và cạnh tranh trong thế bất lợi. Theo bà Hương vấn đề chính là nội lực của DN Việt Nam vẫn còn quá yếu và còn nhiều vấn đề phải nhanh chóng giải quyết.

Phân tích vào 3 mối quan hệ quyết định sự phát triển của DN bán lẻ trong nước là: DN bán lẻ với nhau; DN bán lẻ với nhà sản xuất và DN bán lẻ với người tiêu dùng đều còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Theo bà Hương, liên kết giữa các DN bán lẻ với nhau hiện đã có nhưng không phải ai cũng có tư tưởng làm thật tốt mà chủ yếu mới hình thức và luôn thủ thế với nhau. Bằng chính thực tế của mình, bà Hồng chỉ ra rằng, thông qua hợp tác với các đối tác tốt như Hapro, Nguyễn Kim... cả Vinatex Mart đã có những sự phát triển vượt bậc về chất và nhanh chóng tạo thế trên thị trường trong nước. Đây là kinh nghiệm mà DN trong nước cần hiểu và làm thực chất.

Việc liên kết giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất càng có nhiều chuyện để nói. Có vố số câu chuyện để cho thấy cả hai bên vẫn chưa thực lòng với nhau và sẵn sàng hành hạ, bội ước khi có điều kiện. Tại DN bán lẻ thì nhân viên sẵn sàng tiêu cực, bắt bí các nhà sản xuất khi đưa hàng vào siêu thị. Còn nhà sản xuất cho các mặt hàng thì sẵn sàng phá hợp đồng khi thị trường có biến động. Bà Hương nhấn mạnh, hãy vì mục tiêu lâu dài và bền vững, không nên vì mục tiêu trước mắt.

Về điều này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhìn thẳng vào thực tế, sản xuất yếu kém, hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì thật khó mà đưa vào siêu thị. Sản xuất không ổn định thì siêu thị cũng khó mà bán hàng.

Con đường để đưa sản phẩm từ sản xuất đến siêu thị bán hàng lại còn quá nhiều trắc trở. Một con tôm từ Thái Bình lên Hà Nội qua 3 trạm kiểm tra, mất phí thì còn gì là tôm. Về đến Hà Nội dừng ở ngoài bờ đê giá 90 ngàn/kg. Phải quan trung gian vào đến chợ nội thành đến 120 ngàn/kg. Nông dân không được gì, nhà phân phối không được gì, người tiêu dùng bị thiệt.

Phải sớm khắc phục tình trạng chia cắt thị trường, gây tốn kém nhiều chi phí không chính thức cho DN. Về lâu dài phải tính chuyện lập sàn giao dịch nông sản cho nông dân và DN trực tiếp gặp nhau. Ông Phú nhấn mạnh.

Trong mối quan hệ DN bán lẻ với người tiêu dùng, nếu DN bán lẻ làm tốt mục tiêu của mình là phân phối hàng đầy đủ, giá hợp lý, chất lượng cao, thái độ phục vụ tốt, có trách nhiệm với người thì chúng ta mới có thể kêu gọi sự ủng hộ của người tiêu dùng cho hàng Việt Nam, dịch vụ Việt Nam.

Bà Hương tin rằng, nếu DN bán lẻ làm tốt điều này thì người tiêu dùng sẽ không quay lưng lại với DN Việt Nam. Và Việt Nam có thể sẽ là câu chuyện tiếp theo trên thế giới về việc thành công của hệ thống phân phội nội địa trước các nhà phân phối nước ngoài.

Tâm đắc với câu chuyện này, ông Hòa cho rằng, không còn cách nào khác, DN bán lẻ Việt Nam phải tăng tốc đầu tư. Tất nhiên, ngoài nỗ lực DN thì chính sách hỗ trợ của nhà nước để DN tăng tốc, hỗ trợ DN trong việc tiếp cận nguồn lực là rất quan trọng.

 

Nguồn tin    vietnamnet