Theo kết quả nghiên cứu thị trường, 65% khách hàng tìm thông tin trước khi mua sắm và 27% khách hàng mua sắm có ảnh hưởng của mạng.
"Trên thế giới, ngành kinh doanh bán lẻ đã tiếp cận với hai xu thế là cửa hàng thực thể và kênh bán hàng ảo qua website, điện thoại di động. Đối với các doanh nghiệp (DN) VN, có thể xu thế này còn mới mẻ nhưng nếu không bắt đầu làm quen từ bây giờ thì có thể một vài năm nữa, các DN bán lẻ trong nước sẽ gặp khó khăn ngay trên sân nhà khi mà các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đua nhau đầu tư vào VN" - ông Andrew Ma - giám đốc kinh doanh bán lẻ IBM châu Á - Thái Bình Dương - đã nhận định như vậy.
Đừng mở chuỗi cửa hàng theo kiểu "phong trào"
Một số chuyên gia kinh tế nhận định: một vài năm gần đây, thị trường VN xuất hiện các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Đây là một tín hiệu tốt, khẳng định tính chuyên nghiệp trong kinh doanh nhưng thực tế ngoài chuỗi cửa hàng thành công sẵn nhờ có cách quản lý chuyên nghiệp như Parkson, Big C, Metro... nhiều chuỗi cửa hàng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn là đóng cửa. Nguyên nhân là một số DN bán lẻ xây dựng chuỗi cửa hàng chỉ vì thấy DN khác mở nên hưởng ứng phong trào.
Ông Andrew Ma phân tích: không phải tự nhiên mà nhân vật của năm 2006 do tạp chí Times bình chọn lại không phải là một nhân vật cụ thể mà chính là "Bạn - người tiêu dùng" với nhận định: "Người tiêu dùng ngày càng hiểu biết hơn, yêu cầu cao hơn và có quyền đòi hỏi". Trước những áp lực này, các chuyên gia kinh tế thế giới định hướng, cửa hàng bán lẻ ngày nay không đơn thuần là một địa chỉ cụ thể chỉ để mua hàng. Cửa hàng ngày nay phải là một địa điểm "cộng đồng", ở nơi đó khách hàng được trải nghiệm và khám phá những tính năng của sản phẩm, được tự phục vụ...
Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của các DN bán lẻ trong nước. Trong khi các DN bán lẻ trên thế giới rất chú ý đến việc cung cấp thêm các dịch vụ hấp dẫn như tập đoàn bán lẻ Carrefour và TESCO cung cấp thêm dịch vụ du lịch, viễn thông và tài chính cho khách hàng của mình; Starbucks mở rộng ngành âm nhạc, phim ảnh; cá biệt như Costco còn nhận cung ứng quan tài qua điện thoại di động...
Đầu tư công nghệ hỗ trợ
Trong 10 năm tới, xu hướng tiếp thị sản phẩm hầu như được thực hiện qua mạng cá nhân. Theo bà Lesley Anne Aquino - giám đốc giải pháp bán lẻ IBM Đông Nam Á: các DN trong nước cần phải đầu tư công nghệ hỗ trợ việc thanh toán, cải tạo phần mềm dây chuyền cung ứng để loại bỏ chi phí không đáng có ra khỏi giá thành và áp dụng kênh kinh doanh qua mạng. Hiện nay, một số DN bán lẻ toàn cầu đã áp dụng công nghệ ảo hóa kinh doanh trên nền sản phẩm "cuộc sống thứ hai" với mục đích cho khách hàng tham gia mà ở đó khách hàng có thể đưa ra những thông số cá nhân để lựa chọn sản phẩm, thử mặc quần áo... trước khi quyết định mua hàng.
Tiên đoán và cập nhật được xu hướng của thế giới, một số DN bán lẻ trong nước đã đầu tư công nghệ hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Quốc Hảo, trưởng Phòng điện toán hệ thống siêu thị Vinatex, bên cạnh việc xây dựng chuỗi cửa hàng bắt mắt, việc đầu tư công nghệ để hướng tới kinh doanh qua mạng đang được đơn vị này quan tâm để là cơ sở cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.